Sản xuất Gintama

Năm 2003, Sorachi Hideaki đang là một mangaka có triển vọng đã xuất bản được 2 truyện ngắn trên tạp chí Weekly Shōnen Jump. Mặc dù đã sẵn sàng cho tác phẩm dài hơi đầu tiên của mình, biên tập đã khuyên ông nên tạo ra một bộ truyện dựa trên hình ảnh nhóm Shinsengumi, lúc đó đang là chủ để nổi bật nhờ bộ phim truyền hình nhiều tập Shinsengumi do các diễn viên nổi tiếng tham gia diễn xuất. Sorachi đã thử vì ông rất thích nhóm Shinsengumi, nhưng cuối cùng đã thất bại. Thay vì bỏ rơi những ý tưởng đã hoàn thành, Sorachi vẫn tập trung vào vấn đề lịch sử nhưng tạo ra một câu chuyện của riêng mình, xen lẫn những yếu tố viễn tưởng và tiểu thuyết hóa những nhân vật lịch sử của thời đại đó theo sở thích của ông. Tên ban đầu của truyện được đặt là "Yorozuya Gin-san" (万事屋銀さん, Vạn Sự Ốc Gin-san), nhưng nó chẳng gây ấn tượng gì với Sorachi. Sau một cuộc tranh luận, ông đã quyết định lựa chọn tên Gintama sau câu hỏi của người biên tập: "Cậu có nghĩ một samurai tóc bạc sẽ rất cool không?". Mặc dù không coi trọng truyện ngắn Samuraider, nhưng bằng việc thêm vào câu chuyện đó những nhân vật Amanto, Gintama cuối cùng đã thành hình. Sorachi không hy vọng manga này sẽ nổi tiếng, khi ông kể lại rằng mọi người từng nói với ông manga này sẽ không thể xuất bản quá 2 tập tankoubon.

Là một fan hâm mộ của Shinsengumi, nhân vật chính ban đầu của Sorachi là Hijikata Toshiro, được xây dựng từ nhân vật lịch sử Hijikata Toshizo, sau khi ông xem bộ phim Moyo Ken! (Cháy lên, kiếm ơi!). Khi Sorachi không thể thoát khỏi thiết kế nguyên bản của Hijikata, ông quyết định không sử dụng nhân vật này làm nhân vật chính, mà đặt anh ta vào nhóm Shinsengumi trong câu chuyện. Khi được hỏi, Sorachi đã nói rằng hầu hết các nhân vật trong truyện đều dựa trên một người Edo nào đó, như Gintoki được phóng tác từ người anh hùng dân tộc Sakata Kintoki.

Trong năm đầu tiên bộ truyện được phát hành cùng lúc với phim Shinsengumi được trình chiếu, hầu hết Sorachi chỉ viết những câu chuyện ngắn giới thiệu các nhân vật và thế giới của Gintama, ông cảm thấy hoàn toàn không thoải mái khi tạo ra những thứ có liên hệ với bộ phim. Tới năm thứ 2 và những năm tiếp theo, Sorachi càng lúc càng táo bạo trong những câu chuyện và ý tưởng của mình, tạo ra một câu chuyện dài hơi, kịch tính tăng dần trong khi vẫn giữ nguyên phong cách hài hước và châm biếm Nhật Bản hiện đại bằng xã hội giả tưởng của quá khứ.

Sorachi thường gặp vấn đề trong việc hoàn thành bản thảo và thường phó mặc cho trợ lý của mình, chỉ kiểm tra lại lần cuối cùng. Ông hình dung những gì sẽ viết khi nghỉ ngơi trong phòng hoặc đi dạo. Mặc dù thường tâm sự rằng những ý tưởng của mình thường là ngẫu nhiên, Sorachi vẫn phải thừa nhận rằng chúng nảy sinh khi đang suy nghĩ về manga. Tuy nhiên, khi gặp vấn đề trong việc thể hiện ý tưởng, Sorachi thường tìm kiếm sự giúp đỡ từ người biên tập. Luôn cho rằng Gintama là một "manga không có ý nghĩa", trước khi viết một chương truyện, Sorachi thường suy tính xem mình nên viết một chương hài hước hay kịch tính. Khi vẽ, ông thường sử dụng một chiếc bút dạ thường, bút máy, bút lông và bút dạ lông. Những nét chính của nhân vật sẽ dùng bút dạ và bút máy, nét phác thảo thì dùng bút dạ lông cỡ 0,8 ly.

Về thiết kế nhân vật, Sorachi nói rằng tất cả các khuôn mặt đều dựa trên khuôn mặt của Shinpachi, chỉ cần thay đổi một vài chi tiết cũng như kiểu tóc rồi gỡ cặp kính của cậu ta đi, chúng ta sẽ có các nhân vật khác nhau. Sorachi cũng nói rằng ông thích tất cả các nhân vật mình thiết kế và bất cứ khi nào nhận thấy một nhân vật vắng mặt trong nhiều chương kế nhau, ông sẽ tìm mọi cách để đưa nhân vật đó trở lại. Mặt khác, khi một nhân vật xuất hiện quá thường xuyên, ông sẽ không để anh/cô ta trở thành tâm điểm của chương tiếp theo. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng quy luật đó không áp dụng với bộ ba Vạn Sự Ốc.